Lời tòa soạn:
Thời gian qua, Người Đưa Tin đã có nhiều bài viết chuyên sâu về thực trạng thị trường làm đẹp, các hoạt động liên quan đến thẩm mỹ viện, spa, chăm sóc sắc đẹp. Thực tế cho thấy còn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề hành lang pháp lý, tuân thủ pháp luật, quản lý Nhà nước, thanh tra, hậu kiểm các hoạt động liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sắc đẹp và tính mạng của khách hàng, người dân.
Để nhìn nhận, đánh giá toàn diện, phân tích thách thức và cơ hội nhằm phát triền ngành công nghiệp làm đẹp còn nhiều tiềm năng, Người Đưa Tin trân trọng gửi đến quý vị độc giả Chuyên đề đặc biệt Hành lang pháp lý và giải pháp lành mạnh hóa thị trường làm đẹp, với nhiều nội dung chuyên sâu, đặc sắc, hấp dẫn.
Từ gia tăng nhu cầu làm đẹp
Xã hội ngày càng phát triển và văn minh, con người không chỉ giới hạn ở những nhu cầu cơ bản như "ăn no mặc ấm" mà đã được nâng lên một tầm cao hơn, trở thành "ăn ngon mặc đẹp".
Từ việc chăm sóc da, tóc, đến trang điểm, làm móng... đây là lĩnh vực mà mọi người đều quan tâm và đầu tư. Điều này cho thấy xu hướng làm đẹp ngày càng “lên ngôi” và gắn liền với cuộc sống hàng ngày.
Hiện nay, việc làm đẹp không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà còn cho cả phái mạnh. Nhiều quý ông dành không ít thời gian và tiền bạc để tân trang vẻ ngoài của mình. Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của khách hàng, các trung tâm làm đẹp, spa, salon tóc... ngày càng nở rộ, thậm chí “mọc lên như nấm”, thu hút hàng triệu lượt người quan tâm và sử dụng dịch vụ.
Không chỉ là nhu cầu thẩm mỹ, làm đẹp còn góp phần vào việc nâng cao sự tự tin, thúc đẩy sự giao tiếp và hòa nhập xã hội của mỗi cá nhân. Một diện mạo khỏe khoắn, rạng rỡ sẽ giúp mọi người giao tiếp và làm việc hiệu quả hơn.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, hiện nay các đơn vị kinh doanh dịch vụ làm đẹp cũng tung ra nhiều chiêu khuyến mãi, mời chào người tiêu dùng đến với đơn vị. Thậm chí, tận dụng thế mạnh công nghệ 4.0, nhiều công ty cũng đã sản xuất những clip, video và chạy quảng cáo nhằm thu hút khách hàng trên các nền tảng mạng xã hội.
Là một nhân viên cho một hãng trang sức lớn, chị Nguyễn Thị Thanh (28 tuổi) cho biết: “Công việc của tôi thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng nên việc làm đẹp, chăm chút cho bản thân trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tôi thường xuyên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da, trang điểm và đi làm đẹp ở salon để có ngoại hình bên ngoài đẹp hơn, nhằm thuận lợi trong công việc hàng ngày”.
Còn với suy nghĩ của “cánh mày râu” về ngành làm đẹp, anh Trần Văn Minh (42 tuổi) – Giám đốc một công ty tại Hà Nội bày tỏ: "Tôi nghĩ, việc làm đẹp không chỉ dành cho phụ nữ mà ngày càng có nhiều nam giới cũng quan tâm đến việc này.
Họ muốn có một diện mạo thật ấn tượng và cuốn hút trong mắt mọi người. Bản thân tôi cũng sử dụng một số dịch vụ làm đẹp như đắp mặt, gội đầu dưỡng sinh. Tôi cảm thấy khá ưng ý”.
Chuyên viên trang điểm Trường Ngà (tỉnh Thanh Hóa) – người đã có thời gian 14 năm gắn bó với nghề cho biết, chị em phụ nữ hiện nay rất quan tâm đến việc tân trang vẻ ngoài của bản thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để phẫu thuật thẩm mỹ và nhiều người không thích can thiệp “dao kéo”.
Do đó, ngày càng nhiều chị em học cách trang điểm cá nhân, hoặc tìm đến các salon để được thay đổi diện mạo.
“Trong xã hội hiện đại, các dịch vụ làm đẹp nói chung và dịch vụ trang điểm nói riêng không chỉ mang đến cho chị em phụ nữ vẻ tươi trẻ mà còn tăng thêm sự tự tin cùng nhiều cơ hội khác trong cuộc sống. Đồng thời, làm đẹp cũng khiến chị em yêu bản thân mình hơn”, chị Ngà nói.
Đến những con số “biết nói”
Giới chuyên gia nhận định, nếu như năm 2000 Việt Nam có 100 thẩm mỹ viện và Beauty Salon, thì năm 2020 đã lên tới 5.000 các thẩm mỹ viện, Beauty Salon. Các nhà nghiên cứu thị trường làm đẹp Việt Nam dự báo, năm 2025 sẽ có tới 10.000 các thẩm mỹ viện, Beauty Salon.
Về thị trường, theo Euromonitor International, thị trường chăm sóc sắc đẹp và cá nhân toàn cầu sẽ tăng lên 547 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 15-20%.
Riêng tại Việt Nam, tổng giá trị chỉ riêng mặt hàng mỹ phẩm ước tính khoảng 2,63 tỷ USD và được dự đoán sẽ tăng trưởng 3,32% mỗi năm đến năm 2027. Với dân số khoảng 100 triệu người, đứng thứ 12 trên thế giới về dân số, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng đối với các nhà sản xuất và phân phối mỹ phẩm.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, hàng nghìn thương hiệu mỹ phẩm đã xuất hiện tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau như mở văn phòng đại diện, đặt đại lý, nhà phân phối bán hàng, thành lập công ty và xây dựng nhà máy sản xuất. Trong đó, nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã mở rộng thị phần tại Việt Nam.
Một số thương hiệu mỹ phẩm sản xuất trong nước cũng tạo dựng được vị thế nhất định và xuất khẩu ra nước ngoài. Theo dự báo, năm 2024 và những năm tiếp theo thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ.
Điều này cho thấy, ngành làm đẹp vẫn có nhiều dư địa để tiếp tục phát triển trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt Nam. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực này cần nắm bắt và tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng.
Có nhiều yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành làm đẹp ở Việt Nam. Đầu tiên là sự phát triển nhanh chóng của đô thị hóa và lối sống hiện đại, cùng với việc tăng trưởng sức mua của người tiêu dùng. Điều này tạo nên nhu cầu ngày càng cao về các dịch vụ làm đẹp và sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.
Theo McKinsey & Company, thương mại điện tử dự kiến sẽ là kênh phát triển nhanh nhất cho các sản phẩm làm đẹp, với tốc độ tăng trưởng khoảng 12% mỗi năm từ 2022 đến 2027. Statista cũng dự báo giá trị thương mại điện tử của ngành Làm đẹp và Chăm sóc cá nhân sẽ đạt 184 tỷ USD vào năm 2028.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng, giúp tăng tốc độ tăng trưởng của ngành làm đẹp. Ngoài ra, nhu cầu về các dịch vụ làm đẹp như spa, salon tóc, nail, massage và thẩm mỹ viện cũng đang tăng lên nhanh chóng.
Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ cũng tạo ra nhiều cơ hội mới trong ngành chăm sóc sắc đẹp. Các thiết bị chăm sóc da và công nghệ thẩm mỹ hiện đại đang được giới thiệu và ứng dụng ngày càng rộng rãi, mang đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.
Với những con số ấn tượng và xu hướng tích cực, ngành làm đẹp được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam, nhận định: "Dư địa của ngành làm đẹp cũng như ngành mỹ phẩm còn rất lớn".
Có thể nói, làm đẹp là một lĩnh vực đầy cạnh tranh, nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp. Lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ cũng đang có sự phát triển đáng kể, đặc biệt là trong nhóm khách hàng trẻ tuổi. Tuy nhiên, vấn đề về quản lý pháp lý và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng vẫn là một thách thức lớn mà ngành này cần phải giải quyết.
Cơ hội và thách thức
Ngành làm đẹp Việt Nam đang trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, ngành này vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức đáng quan ngại trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững. Một trong những vấn đề cốt lõi là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đủ chuyên nghiệp và được đào tạo bài bản cho ngành này.
Chia sẻ thêm với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hội khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam chia sẻ: "Đào tạo trong ngành làm đẹp hầu hết đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhân lực trong ngành lại chủ yếu là lao động phổ thông, chưa được đào tạo một cách chính quy”.
Hiện nay, hoạt động đào tạo trong ngành chủ yếu diễn ra dưới hình thức truyền nghề, với nhân sự lâu năm dạy cho người mới. Các kỹ thuật viên phần lớn học nghề trực tiếp từ các spa, trung tâm chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện. Một số khác được đào tạo nội bộ và truyền cảm hứng từ các hệ thống spa, thẩm mỹ hoặc các nhãn hàng.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chưa có số liệu thống kê đầy đủ về tỉ lệ nhân sự ngành thẩm mỹ, làm đẹp được đào tạo bài bản và được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chuyên môn. Các cơ sở đào tạo và các cá nhân đào tạo đua nhau mọc lên mà không có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý có thẩm quyền, nên chất lượng đầu ra của chuyên viên còn non yếu.
Bên cạnh vấn đề nhân lực, ngành làm đẹp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với thách thức trong việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng uy tín với người tiêu dùng.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu nước ngoài có tiếng, đồng thời phải nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ dây chuyền sản xuất chưa hiện đại, vấn nạn hàng giả hàng nhái, hàng không nguồn gốc xuất xứ còn “nhập nhèm” trên thị trường... Cùng với đó là sự cạnh tranh khốc liệt của các công ty mỹ phẩm nước ngoài, thị phần tiêu thụ của doanh nghiệp Việt bị thu hẹp.
Thêm nữa, ngành mỹ phẩm đang phải đối mặt với nhiều yêu cầu về môi trường, an toàn và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là xu hướng sử dụng sản phẩm mỹ phẩm tự nhiên và hữu cơ ngày càng tăng buộc các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, ngành công nghiệp mỹ phẩm ở Việt Nam vẫn là ngành công nghiệp non trẻ, nhiều hạn chế như: Quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ dây chuyền sản xuất chưa hiện đại. Đến nay, tổng số cơ sở sản xuất trong nước có 965 cơ sở, tuy nhiên chỉ 35 cơ sở sản xuất trong nước đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của ASEAN.
Thời gian qua, với chiến lược truyền thông mạnh, các doanh nghiệp mỹ phẩm nước ngoài đã chiếm lĩnh thị phần lớn tại Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp mỹ phẩm nội hiện nay chỉ chiếm 30% số lượng sản phẩm mỹ phẩm được công bố nên chỉ có thể trụ lại ở phân khúc giá rẻ...
Ngoài ra, sự gia tăng của các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các sản phẩm được bán trên các nền tảng thương mại điện tử, càng khiến cho người tiêu dùng khó khăn hơn trong việc lựa chọn sản phẩm an toàn và chất lượng.
Để vượt qua những thách thức này, các chuyên gia đề xuất, các doanh nghiệp mỹ phẩm cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, tiếp cận khách hàng thông qua các kênh trực tuyến.
Đồng thời, cần nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì sự linh hoạt, thay đổi phù hợp để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm đến việc đào tạo, nghiên cứu và đầu tư cho ngành công nghiệp mỹ phẩm, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể bắt kịp với xu hướng phát triển của thời đại.
Kim Thoa - Hoàng Bích
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/con-so-ty-usd-va-du-dia-phat-trien-lon-cua-nganh-lam-dep-a111435.html