Đại biểu lo lắng vấn đề chất lượng đào tạo
Ngày 11/7, tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2016, nhiều đại biểu đã tham gia thảo luận, đề cập đến chất lượng giáo dục và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.
Theo đó, nhiều đại biểu cho biết, cử tri tỏ ra rất lo lắng về chất lượng đào tạo hiện nay. Cùng với đó, việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS theo đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" tại tỉnh Đắk Lắk đang còn nhiều bất cập.
Đại biểu Y Nhuân Byă, Bí thư Huyện ủy Ea Kar cho hay, vấn đề giáo dục hiện nay đang được người dân rất quan tâm, đặc biệt là công tác tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua.
Theo các quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến tới phải dần giảm số học sinh/lớp để nâng cao chất lượng dạy. Tuy nhiên, hiện nay học số học sinh ngày càng tăng, còn cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ giáo viên không tăng đã phần nào gây khó khăn cho hoạt động giáo dục tại địa phương.
Ông Y Nhuân chia sẻ: "Như địa phương chúng, tôi năm nay, tiếp tục tăng số học sinh vào lớp 10. Giải quyết vấn đề nếu phân luồng học sinh như hiện nay vừa học nghề vừa học phổ thông, nhưng điều kiện để học nghề và cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo nghề và trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên của địa phương hiện nay cũng không đáp ứng được. Khi bàn về vấn đề này, địa phương có đưa ra nhiều giải pháp thực hiện nhưng vẫn chưa giải quyết được".
Còn theo đại biểu Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắk, định hướng phân luồng học sinh là chủ trương đúng đắn, nhưng trên thực tế, tỉnh vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Vừa qua, huyện Krông Pắk có hơn 300 học sinh thi tuyển, xét tuyển vào lớp 10 không đạt nên phải phân luồng vào các trung tâm giáo dục nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả này như về cơ sở vật chất, giáo viên. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận là do chất lượng đào tạo nghề chưa thực sự hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người học.
Ông Tiến cho hay: "Chất lượng đào tạo nghề chưa thật sự hấp dẫn. Nếu thật sự hấp dẫn, đào tạo xong là các cháu có tay nghề có thể xin việc được thì tôi nghĩ là chúng ta không cần tuyên truyền các cháu cũng sẽ tự động chuyển đổi sang học nghề. Chất lượng đào tạo mới là quan trọng nhất, cho nên phải cần có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề của các trường thì việc phân luồng mới đạt hiệu quả...", ông Tiến nhấn mạnh.
Theo các đại biểu, việc phân luồng tuyển sinh vào lớp 10 chưa đạt, số học sinh không trúng tuyển và lớp 10 chưa có trường để học tập. Do đó, các đại biểu đề nghị tỉnh cần xem xét tăng số lượng học sinh/lớp, quan tâm mở các lớp bán công trong các trường THPT công lập để giải một phần số học sinh này.
Cũng tại kỳ họp, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của tỉnh trong thời gian tới. Nhất là các chính sách hỗ trợ học sinh vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tìm giải pháp căn cơ
Trả lời các ý kiến của các cử tri, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, tuyển sinh vào lớp 10 là công tác quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Vấn đề quan trọng trong công tác phân luồng sau THCS yêu cầu phải thực hiện như thế nào đó để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh.
Ông Hiệp cho hay, đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã giao chỉ tiêu cho các trường THPT công lập năm 2024-2025 là 21.018 học sinh. Hiện tại, số học sinh đã trúng tuyển và lớp 10 là 21.218 em. Số học sinh trúng tuyển vào các trường tư thục là 2.043 em, số học sinh xét tuyển và các trung tâm giáo dục thường xuyên là 3.368 em...
Hiện, có gần 1.900 học sinh chưa được tuyển sinh vào lớp 10. Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã triệu tập cuộc họp để tìm giải pháp khắc phục vấn đề này. Trên cơ sở đề xuất của ngành giáo dục và đào tạo, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thống nhất với phương án cho tất cả các vùng đều có 44 học sinh/lớp để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các học sinh trên địa bàn. Sắp tới, nếu thực hiện theo phương án này thì số lượng học sinh còn lại chỉ còn hơn 900 học sinh. Những học sinh này sẽ đi vào học tại các trường nghề.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, có nhiều nguyên dẫn đến những bất cập trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn vừa qua. Cụ thể, do 10 năm chỉ xét tuyển nên học sinh THCS không tham gia bất kỳ kỳ thi nào; có sự chuyển đổi nên kế hoạch tuyển sinh có muộn hơn so với những năm học trước. Mặt khác, vẫn còn có sự chênh lệch giữa vùng trung tâm và vùng xa, bối cảnh đổi mới thực hiện đồng thời cả hai chương trình, các thầy cô giáo tổ chức việc dạy học có nhiều khó khăn.
Để thực hiện tốt công tác tuyển sinh vào lớp 10 trong thời gian tới, ông Hiệp cho biết, cần thực hiện công tác truyền thông nhất là sau THCS. Đồng thời, cần làm tốt công tác dự báo. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chế độ chính sách của giáo dục dân tộc, quan tâm hơn nữa trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, tăng quy mô lên.
Ông Hiệp cũng thông tin, trong năm học tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phương án tổ chức thi tuyển toàn bộ để thực hiện tốt hơn công tác tuyển sinh. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục, mở rộng quy mô các trường nghề, các trung tâm giáo dục nghề nghề nghiệp, mô hình học văn hóa kết hợp với học nghề trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, mở rộng quy mô các trường công lập ở địa phương, tăng cường xã hội hóa...
Phát biểu tại kỳ họp, bà Huỳnh Thị Chiến Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk cho hay, trên cơ sở báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, sau khi đã thực hiện các giải pháp trước mắt như tăng chỉ tiêu cho các trường thì vẫn còn hơn 900 học sinh phải tìm trường cho các em học, đây là vấn đề mà cử tri cũng rất quan tâm.
Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk thông tin thêm: "Sau khi tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 xong, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc thi tuyển sinh vào lớp 10.
Qua đó, đánh giá tổng thể lại chất lượng giáo dục đào tạo trong thời gian qua và tìm những giải pháp căn cơ hơn để thực hiện tốt hơn, chất lượng hơn công tác giáo dục trong thời gian tới. Sau khi chúng tôi thực hiện công tác khảo sát, giám sát xong sẽ có báo cáo cho HĐND tỉnh để cùng với UBND tỉnh tìm giải pháp lâu dài, căn cơ để giải quyết vấn đề này", Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk thông tin.
Như Người Đưa Tin đã phản ánh, toàn tỉnh Đắk Lắk có 53 trường THPT công lập. Trong đó, 12 trường (9 trường THPT, 1 trường chuyên, 2 trường THPT Dân tộc nội trú) tổ chức thi tuyển, còn lại xét tuyển theo học bạ.
Từ ngày 6-8/6, gần 7.700 thí sinh Đắk Lắk dự thi vào lớp 10 THPT công lập, với 3 môn thi: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Riêng học sinh đăng ký dự tuyển vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Du thi thêm các môn chuyên tương ứng với lớp chuyên đăng ký xét tuyển.
Đến ngày 22/6, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định chuẩn y điểm chuẩn và số lượng trúng tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập tổ chức thi tuyển, năm học 2024-2025.
Theo quyết định nói trên, chỉ có 2 trường (THPT Buôn Ma Thuột, THPT Lê Quý Đôn), có điểm chuẩn đầu vào 15,75 điểm. Các trường còn lại, điểm đầu vào rất thấp chỉ từ 5-6 điểm cho 3 môn thi (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ).
Đáng nói, dù điểm chuẩn thấp nhưng nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Đơn cử, Trường THPT Krông Ana (huyện Krông Ana) được giao tuyển 484 em nhưng chỉ tuyển được 292 em, thiếu 192 em; Trường THPT Phan Bội Châu (huyện Krông Năng) được giao tuyển 440 em nhưng chỉ tuyển được 261 em, thiếu 179 em; Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Krông Pắk) được giao tuyển 480 nhưng chỉ tuyển được 362 em, thiếu 118 em...
Trước tình hình trên, ngày 2/7, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức cuộc họp để bàn các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn.
Khánh Ngọc
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/nong-van-de-giao-duc-tai-nghi-truong-hdnd-tinh-dak-lak-a109975.html