Trong số các tuyến mương ở nội đô Tp.Hải Phòng, tuyến mương Đông Bắc có chiều dài khoảng 3,5 km từ cống Máy Đèn đến hồ Thiên Nga và hồ An Biên trên địa bàn quận Ngô Quyền “nổi tiếng” về tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo người dân địa phương, tuyến mương Đông Bắc được kè 2 bên khoảng 15 năm trước. Sau đó, chính quyền địa phương và người dân sinh sống 2 bên bờ tuyến mương trồng cây xanh để tạo cảnh quan, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh. Vì thế, môi trường tại đây được cải thiện nhiều.
Tuy nhiên, tuyến mương này hứng chịu nguồn nước thải sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân sinh sống xung quanh. Vì thế, mỗi khi nước xuống hoặc thời tiết thay đổi, tuyến mương bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Chỉ những ngày nước lên, mùi mới giảm bớt.
Trước thực trạng này, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND Tp.Hải Phòng và HĐND quận Ngô Quyền, người dân địa phương nhiều lần đề xuất Thành phố và Quận tìm phương án để họ không chịu cảnh “sống chung với ô nhiễm”. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.
Tại cuộc kiểm tra thực địa và nghe báo cáo phương án đầu tư tuyến đường dọc theo mương Cầu Tre từ nút giao chân cầu Máy Chai với đường Lê Thánh Tông đến đường Lê Hồng Phong, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng, ghi nhận, hiện hệ thống kênh thoát nước Đông Bắc đoạn từ cống Máy Đèn đến hồ Thiên Nga và hồ An Biên đang rất ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ gia đình trong khu vực.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Tùng đồng ý chủ trương nghiên cứu đầu tư ngầm hóa tuyến mương Đông Bắc đoạn nối từ đường Lê Thánh Tông đến đường Lê Hồng Phong tiếp đến hồ Thiên Nga và hồ An Biên để xây dựng thành đường giao thông.
Theo đó, giai đoạn 1 từ đường Lê Thánh Tông đến đường Lê Hồng Phong: Quy mô dự kiến mặt đường nhựa 2x12m; giải phân cách giữa 2,5m; chiều rộng vỉa hè thay đổi tùy theo mặt cắt, từ mép đường nhựa đến sát nhà dân.
Đồng thời, mở rộng các nút giao với đường: Ngô Quyền, Lê Thánh Tông, Đà Nẵng, Lê Hồng Phong. Mở rộng các cống ngang đường và cửa xả (cống Cầu Tre, cống Máy Đèn) bảo đảm khả năng tiêu thoát nước cho toàn tuyến mương và cống hộp.
UBND Tp.Hải Phòng dự kiến trình HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư vào giữa năm 2025. Khởi công công trình vào đầu năm 2026, hoàn thành cuối năm 2026.
Giai đoạn 2 đầu tư xây dựng các đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến hồ Thiên Nga và hồ An Biên. UBND Tp.Hải Phòng dự kiến trình HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư vào đầu năm 2026.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng, giao UBND quận Ngô Quyền lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 quận Ngô Quyền đến năm 2025, trong đó cập nhật hướng tuyến của tuyến đường nêu trên (cả 2 giai đoạn), trình Sở Xây dựng Thành phố thẩm định, làm cơ sở triển khai thực hiện.
Giao Sở Xây dựng, thẩm định hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 do UBND quận Ngô Quyền lập, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố. Lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư tuyến đường theo hai giai đoạn nêu trên. Giao Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng khẩn trương thực hiện việc quyết toán Dự án Thoát nước và vệ sinh Hải Phòng.
Đối với Sở Tài chính Thành phố, hướng dẫn Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng thực hiện quyết toán Dự án Thoát nước và vệ sinh Hải Phòng theo quy định.
Chiều 9/6, trao đổi với Người Đưa Tin, chị Hà Thị Kim Vui, ở phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, Tp.Hải Phòng, cho biết, nhận được thông tin Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng đồng ý chủ trương ngầm hóa tuyến mương Đông Bắc làm đường giao thông để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, người dân sinh sống trong khu vực rất vui mừng, phấn khởi.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện dự án, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tính toán đến phương án thoát nước bởi khu vực này thường xuyên rơi vào cảnh ngập lụt mỗi khi mưa lớn, nhất là mưa lớn kết hợp với triều cường. Bên cạnh đó, cần có phương án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trước khi đổ vào hệ thống cống hộp.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/hai-phong-giai-quyet-tinh-trang-o-nhiem-tai-tuyen-muong-noi-do-a106819.html