Đối với đề xuất cấm mọi loại thuốc lá mới gồm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN), tại Phiên giải trình Trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của TLĐT, TLLN vvừa qua, các đại biểu tham dự đề nghị Bộ Y tế (BYT) cần làm rõ về tác hại của các sản phẩm dựa trên căn cứ khoa học, nhất là những sản phẩm đã được tổ chức y tế quốc tế công nhận.
Điều này nhằm đảm bảo việc đối xử công bằng giữa thuốc lá điếu và các loại thuốc lá mới đã thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL).
Danh mục các chất có trong TLĐT, TLLN có thuộc mặt hàng bị cấm?
Trong Phiên giải trình, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, chất vấn về việc các bộ tham mưu cho Chính phủ về quản lý TLLN, TLĐT - gồm BYT và Bộ Công Thương (BCT) liệu đã có nghiên cứu toàn diện, xác định rõ ràng hoạt chất nào trong sản phẩm này thuộc danh mục cấm trước khi đưa ra quyết định quản lý chưa. Ông nhấn mạnh, mọi quyết định cấm hay quản lý đều phải dựa trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá đầy đủ.
Bà Trần Kim Yến, thành viên Ủy ban Xã hội, cho rằng dựa trên hệ thống pháp luật hiện hành, có thể hiểu TLLN, TLĐT chưa bị cấm. Bởi Luật PCTHTL và các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về các sản phẩm thuốc lá mới này.
Đồng thời, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Ban Công tác Dân nguyện thuộc UBTVQH cho rằng BYT cần đưa ra bằng chứng khoa học rõ ràng để lý giải cho sự khác biệt trong cách ứng xử đối với TLLN, TLĐT so với thuốc lá truyền thống
Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Ngô Khải Hoàn, trường hợp BYT đã có đánh giá rõ ràng rằng TLĐT, TLLN có hại đến sức khoẻ thì cần nhanh chóng sửa luật để cấm mặt hàng này.
Tính đến nay, hệ thống luật liên quan đến các mặt hàng thuốc lá bao gồm Luật Đầu tư và Luật PCTHTL. Hiện tại, toàn bộ TLĐT, TLLN đang được tiêu thụ tại Việt Nam đều là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm định khoa học đầy đủ.
Các chuyên gia khẳng định, những hệ lụy xã hội hiện nay đều xuất phát từ nguồn hàng trôi nổi, bất hợp pháp do chưa có khung pháp lý để quản lý. Do đó, việc đánh giá khoa học một cách toàn diện về tác hại của các sản phẩm chính ngạch hoặc đã qua kiểm nghiệm vẫn chưa có.
Xem xét ưu tiên giải pháp cấm thanh thiếu niên tiếp xúc với thuốc lá mới
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo đầu năm 2024, trong 175 quốc gia không cấm TLLN, có 69 quốc gia đã ban hành quy định cho TLLN như thuốc lá điếu, trong khi 86 quốc gia còn lại ngầm áp dụng theo quy định của thuốc lá điếu cho TLLN. Điều đáng nói là hầu hết các quốc gia đều đánh thuế TLLN thấp hơn hẳn so với thuốc lá truyền thống.
Ông Vũ Công Thảo, Chuyên viên cao cấp Vụ Khoa giáo văn xã, Văn phòng Chính phủ đề nghị tại tọa đàm “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng” năm 2023 rằng: “Đứng trước câu chuyện thanh thiếu niên tiếp xúc với thuốc lá mới, những đánh giá về mặt khoa học đến bây giờ vẫn chưa đầy đủ.
Vậy có nguy hiểm đến mức tuyệt đối cấm hay không? Vấn đề này phải do các nhà khoa học đánh giá cụ thể và tổng hợp kinh nghiệm của quốc tế và trong nước”.
Cũng tại buổi tọa đàm trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, cần thực thi nghiêm lệnh cấm mọi loại thuốc lá đối với trẻ em, gồm cả thuốc lá mới và thuốc lá điếu, đến đúng đối tượng, đúng phạm vi (cấm quảng cáo, mua bán, cho tặng...).
GS.TS. Lê Thị Hồng Hạnh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và bà Phan Quỳnh Như, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, đều nhất trí về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật PCTHTL để cấm TLĐT đối với trẻ em.
Mặc dù Điều 9 của Luật này được cho là có thể áp dụng cho TLĐT, nhưng việc Luật chưa đề cập trực tiếp đến sản phẩm này khiến việc thực thi trở nên khó khăn. Hơn nữa, việc nhiều quốc gia coi TLLN, TLĐT là giải pháp thay thế tốt hơn cho thuốc lá truyền thống càng cho thấy rõ sự cần thiết của việc sửa đổi Luật để có khung pháp lý phù hợp.
Việc có nên cấm TLLN, TLĐT hay không cần được cân nhắc một cách hết sức thận trọng, bởi quyết định này sẽ kéo theo những thay đổi lớn trong hệ thống pháp luật liên quan.
Ông Tạ Văn Hạ nhận định: “Việc cấm liên quan đến vấn đề quyền con người, kinh doanh nên phải dùng luật và rất thận trọng. Do vậy, cơ quan quản lý Nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá cần có nghiên cứu, đánh giá tác động rất kỹ càng, thực sự thuyết phục”.
Để chống bình thường hóa việc hút thuốc, WHO khuyến nghị các quốc gia kiểm soát TLLN theo luật hiện hành.
Thu Hà
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/thuoc-la-moi-can-lam-ro-ve-tac-hai-cua-cac-san-pham-dua-tren-can-cu-khoa-hoc-a106449.html