Sáng 31/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị Công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ: “Trong những năm qua, ngành kinh tế thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới”.
Cụ thể, năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,269 triệu tấn, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 9,2 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí thứ ba trên thế giới chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.
Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh, kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống, tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 4 triệu người dân. Sự hiện diện của tàu cá và ngư dân trên các vùng biển, đảo góp phần quan trọng trong giữ vững chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: “Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); Sự suy giảm nguồn lợi thủy sản cả vùng biển và vùng nội địa do tình trạng khai thác quá mức cho phép…”
“Do đó, việc lập quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản là cần thiết”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở quan trọng để phân bổ lại không gian cho bảo tồn, bảo vệ, khai thác hải thủy sản phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi, hệ sinh thái. Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản gắn với lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từng vùng và các ngành kinh tế; góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời, khai thác thủy sản phù hợp với tiềm năng nguồn lợi thủy sản, theo hướng hiệu quả, bền vững có trách nhiệm, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch trong thời điểm rất quan trọng khi chúng ta đang triển khai các giải pháp quyết liệt để khắc phục các kiến nghị của EC về cảnh báo thẻ vàng cũng như phát triển thủy sản bền vững, đặc biệt là phát triển nghề cá bền vững, hội nhập quốc tế".
Ở góc độ địa phương, Bình Thuận có các quy hoạch về bảo tồn, các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các khu cấm khai thác có thời hạn thủy sản cũng như thực hiện sự điều chỉnh của quy hoạch liên quan đến tàu cá về khai thác thủy sản và hoạt động của nghề cá.
Theo ông Chiến, Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính tổng hợp, liên vùng rất cao. Bởi muốn thực hiện mục tiêu chung về phát triển thủy sản bền vững, đặc biệt là phát triển nghề cá thì không chỉ một địa phương mà tất cả các tỉnh thành phải cùng thực hiện có hiệu quả, hiệu lực các quy hoạch đề ra.
Do đó, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận kiến nghị, “Để triển khai các dự án ưu tiên, cấp bách liên quan đến bảo tồn, bảo vệ, khu cấm có thời hạn, giảm số lượng tàu cá phù hợp với quy hoạch cho thời gian tới, Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ địa phương".
Tại sự kiện, ông Hoàng Đình Yên - Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam khẳng định: Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản là cơ sở để định hướng cho địa phương, giải quyết được các vướng mắc trong khai thác thủy sản.
“Thời gian qua, sản lượng đánh bắt thủy hải sản đã vượt quá nguồn lợi cho phép. Do đó, quy hoạch lần này tạo ra cơ sở cho địa phương và Bộ NN&PTNT tổ chức lại sản xuất, đánh bắt cũng như hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, ông Yên nói.
Qua quy hoạch, Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam kiến nghị cần phải có hướng dẫn rõ các chính sách cho khai thác, thay vì chỉ sử dụng các chính sách hiện hành. Ngoài ra, trong tổ chức đánh bắt, cần phải có thêm hướng dẫn trên cơ sở quy hoạch Chính phủ đã phê duyệt để tổ chức lại sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương.
Trong triển khai, ông Yên cũng đề nghị gắn công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tổ chức lại khai tác với tàu quản lý ở cơ sở. Cần phải gắn được quy hoạch này với công tác quản lý lại tổ chức.
Liên quan đến các vấn đề được ông Yên nêu trên, ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) cho biết: Ngoài những chính sách hiện có, Bộ đang chuẩn bị trình nghị định 67 sửa đổi, trong đó có những điều chỉnh về chuyển đổi nghề, cấm hạn chế khai thác theo mùa,...
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/khai-thac-thuy-san-phu-hop-voi-tiem-nang-nguon-loi-bao-ve-moi-truong-a106004.html