Hiện nay, hầu hết các loại nhựa là không phân hủy sinh học và phải mất hàng 100 năm thậm chí đến cả 1.000 năm để phân hủy. Trong môi trường, nhựa sẽ bị phân hủy thành các mảnh vi nhựa làm ô nhiễm nguồn nước, đất và đi vào chuỗi thức ăn của con người, gây nguy hại đến cuộc sống của khoảng 800 loài động vật sống dưới đại dương…
Đối với du lịch, rác thải nhựa sẽ làm ô nhiễm tầm nhìn, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Rác thải nhựa đã làm giảm lượng khách và doanh thu từ du lịch, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người sống phụ thuộc vào du lịch.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% các khu du lịch không dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lầnTại "Hội thảo giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch 2024" vừa được tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Tràng An và Khu du lịch Thung Nham (Ninh Bình), ông Vũ Quốc Trí - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chia sẻ về bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa.
Theo đó, mục tiêu chính là phấn đấu đến năm 2025, 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Để đạt được điều này Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đưa ra một số nhiệm vụ như: Tham gia xây dựng, phổ biến, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch; triển khai thực hiện bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa và ứng dụng (App) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch xanh, không rác thải nhựa; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch gắn với giảm thiểu rác thải nhựa...
Nhân rộng mô hình giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch ra toàn quốcHiện nay, Ninh Bình là một trong hai địa phương triển khai thực hiện thí điểm dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam" được tài trợ bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), do Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì thực hiện. Kết quả đánh giá cho thấy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được chú trọng; các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa được ứng dụng linh hoạt ở một số khu, điểm du lịch.
Tiêu biểu tại Khu du lịch Thung Nham (huyện Hoa Lư) đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa hoạt động kinh doanh với bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, giảm thiểu rác thải.
Khu du lịch đã đầu tư công nghệ sản xuất nước uống tinh khiết với công suất đạt khoảng 500 m3/ngày đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách, giảm thiểu việc sử dụng nước uống đóng chai nhựa. Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, người lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa; tích cực thay thế các sản phẩm nhựa bằng các sản phẩm gỗ, sành, sứ thân thiện với môi trường…
Còn tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, hiện cũng đang chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, người lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Các hoạt động bảo vệ môi trường đã nhận được phản hồi và ấn tượng tốt từ phía người sử dụng các dịch vụ.
Tuy nhiên, việc ứng dụng, thực hiện dự án này tại Khu du lịch còn một số khó khăn, hạn chế như: Chi phí đầu tư ban đầu cao, chưa có sự đồng bộ giữa việc thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa trong và ngoài các khu du lịch, du khách đến từ nhiều nơi nên còn mang theo rác thải nhựa trong lịch trình di chuyển, một số điểm tập kết rác thải dân sinh ảnh hưởng đến mỹ quan khu du lịch…
Để giảm thiểu rác thải nhựa, cần tăng cường triển khai một số ứng dụng, mô hình hay nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, cần tập trung tập huấn kiến thức, kĩ năng đào tạo cán bộ, người lao động trở thành người tiên phong, làm gương để mỗi điểm đến sẽ là điểm sáng điển hình về giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững...
Có thể nói, với sự tham gia tích cực của ngành du lịch, các doanh nghiệp, khu điểm du lịch đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân và du khách trong giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ cảnh quan môi trường, đưa du lịch Ninh Bình phát triển xanh và bền vững. Kết quả bước đầu của dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam" tại Ninh Bình cũng là căn cứ để nhân rộng mô hình ra toàn quốc.
Diệp Anh
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/giam-thieu-rac-thai-nhua-trong-nganh-du-lich-a105995.html