Theo Bảo Vệ Pháp Luật, trước đó, bệnh nhi N.M.Đ (13 tuổi, ngụ quận Cái Răng, Tp.Cần Thơ) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tụt huyết áp, nổi mẩn đỏ rải rác vùng ngực.
Vết bọ cạp cắn ở mắt cá chân trái bầm tím kèm rỉ máu, sưng nề 1/3 dưới cẳng chân.
Sau khi thăm khám, bác sĩ nhận định đây là tình trạng sốc phản vệ nặng, khẩn trương chống sốc, hỗ trợ hô hấp. Sau 30 phút hồi sức tích cực, bệnh nhi dần tỉnh táo, huyết áp ổn, giảm khó thở.
Thông tin trên báo Thanh Niên, bên cạnh việc được điều trị sốc phản vệ, bé Đ. còn được điều trị kết hợp truyền kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, kháng histamin, tiêm kháng độc tố uốn ván...
Qua 12 giờ điều trị, sinh hiệu bệnh nhi ổn định, chuyển khoa Nội tim mạch điều trị tiếp tình trạng viêm nhiễm, sưng nề do vết bọ cạp cắn.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Tp.Cần Thơ khuyến cáo, khi trẻ bị bọ cạp hay côn trùng có nọc độc cắn, sau khi sát trùng vết thương, nên đưa đến bệnh viện gần nhất để được khám, xử trí kịp thời, nhằm tránh gây ra các biến chứng khó lường.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/can-tho-cap-cuu-thanh-cong-be-trai-bi-soc-phan-ve-do-bo-cap-can-a105741.html