Trong năm 2024, tính đến trung tuần tháng 5 vừa qua, toàn thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 3.251 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong. Ca bệnh xuất hiện ở cả 22 quận huyện, trong đó có những quận huyện có số ca mắc cao và tỷ suất mắc trên 100.000 dân cũng cao như Bình Chánh, Tân Phú, Bình Tân.
Vì vậy phòng chống sốt xuất huyết cần phải được cả cộng đồng chung tay thực hiện thường xuyên hàng ngày, hàng tuần.
Hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 14 năm 2024, cuối tháng 5/2024, ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các hoạt động truyền thông, kiểm soát điểm nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết với chủ đề “Tìm và loại bỏ nơi muỗi vằn đẻ trứng”.
Dễ gây tử vong
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Mặc dù đa số trường hợp mắc bệnh là nhẹ nhưng có một tỉ lệ bệnh diễn tiến nghiêm trọng với các biến chứng xuất huyết, trụy mạch, tổn thương đa tạng và có thể gây tử vong.
Theo báo cáo ngày 23/4 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc sốt xuất huyết toàn cầu gia tăng rõ rệt trong những thập kỷ gần đây, đặt ra thách thức đáng kể về sức khỏe cộng đồng.
Từ năm 2000 đến năm 2019, trên toàn thế giới ghi nhận số ca được báo cáo tăng gấp 10 lần, từ 500.000 lên 5,2 triệu. Năm 2023 đánh dấu năm với số ca mắc cao chưa từng có, hơn 6,5 triệu ca mắc và hơn 7.300 ca tử vong trên toàn cầu.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Việc phát hiện sớm và điều trị phù hợp sẽ làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết nặng.
Việt Nam là quốc gia có số ca mắc cao
Tại Việt Nam trong nhiều năm nay, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành và được Tổ chức Y tế thế giới nhận định là một trong những quốc gia có số ca mắc cao trên thế giới với số ca mắc lên đến hàng trăm ngàn ca mỗi năm.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất trong cả nước.
Năm 2022 xảy ra dịch sốt xuất huyết (SXH) lớn tại khu vực phía Nam, trong đó tại thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận có tới 81.884 trường hợp mắc SXH với 29 ca tử vong.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ các triệu chứng bệnh:
Sau thời gian ủ bệnh nhiễm khuẩn sốt xuất huyết, người bệnh sẽ có triệu chứng của 1 trong 2 trường hợp là sốt xuất huyết có biểu hiện ra bên ngoài (thể nhẹ) hoặc xuất huyết nội tạng.
Trong trường hợp nhẹ, bệnh sốt xuất huyết ở người lớn thường sẽ có triệu chứng điển hình một cách rầm rộ và không có biến chứng.
Bắt đầu là triệu chứng sốt (diễn ra trong vòng 4-7 ngày) và kèm theo các biểu hiện khác như: Đau phía sau mắt, đau nhức đầu nghiêm trọng, đau khớp và cơ, sốt cao (có trường hợp lên đến 40,5 độ C), phát ban, buồn nôn và ói mửa.
Các tình trạng nghiêm trọng có thể gây nên xuất huyết nội tạng điển hình thường gặp là xuất huyết đường tiêu hóa và xuất huyết não. Nguy hiểm nhất là các triệu chứng sốc dengue: bao gồm tất cả các triệu chứng kể trên, đồng thời có thêm các triệu chứng như chảy máu, chảy máu ồ át, huyết tương thoát khỏi mạch máu, hạ huyết áp,...
Hội chứng sốc dengue này thường xảy ra ở người bệnh tái nhiễm sốt xuất huyết.
Khi cơ thể đã có miễn dịch chủ động hoặc miễn dịch thụ động với một loại kháng nguyên virus dengue, sau khoảng 2 – 5 ngày nhiễm lại virus thì bệnh có thể tiến triển nặng. Hậu quả nghiêm trọng nhất có thể gây ra tử vong nhanh chóng.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/tphcm-trien-khai-cac-hoat-dong-phong-chong-dich-benh-sot-xuat-huyet-a105500.html