Vào các ngày hè nắng nóng, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7 mỗi năm, nhiệt độ không khí tăng cao tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn trong thức ăn sinh sôi. Đặc biệt, khi nguyên liệu không được chế biến, bảo quản an toàn, có thể gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng.
Nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm
Trong mùa hè nắng nóng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng gia tăng. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thời tiết oi bức kèm theo độ ẩm cao chính là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn có hại, đặc biệt là vi khuẩn trong đường tiêu hóa, phát triển nhanh chóng.
Trong khi đó, nhiều người lại có thói quen xử lý thực phẩm chưa đúng cách, chẳng hạn như không nấu chín kỹ để diệt khuẩn. Điều này càng tạo cơ hội cho vi khuẩn nhân lên và phá hủy thực phẩm.
Bên cạnh đó, ở một số nơi, điều kiện vệ sinh môi trường kém, nước thải sinh hoạt ô nhiễm cũng là yếu tố thuận lợi cho các loại virus gây bệnh lây lan qua đường thức ăn. Nếu nấu nướng trong môi trường như vậy, nguy cơ mắc các bệnh tiêu chảy và ngộ độc thực phẩm càng tăng cao.
Ngoài ra, việc bảo quản thực phẩm không đúng cách, để lâu dưới thời tiết nóng, cũng khiến thực phẩm nhanh chóng bị hư hỏng, tăng nguy cơ ngộ độc.
Đáng chú ý, do nắng nóng kéo dài, nhiều người có thói quen ăn các món ăn đường phố, các thực phẩm lạnh, thực phẩm sống (gỏi, sushi, tái,...) hoặc thực phẩm bán sẵn không đảm bảo vệ sinh, điều này càng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc.
Các triệu chứng, biến chứng khi bị ngộ độc thực phẩm
Tiến sĩ, Bác sĩ Mai Thị Hội, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra sau khoảng vài phút hoặc vài giờ, cũng có thể từ 1-2 ngày sau khi hệ tiêu hóa tiêu thụ hết thực phẩm. Một số trường hợp người bệnh có thể nghĩ đến ngộ độc như: đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy.
Bên cạnh đó, tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như khát nước, khô môi, nhiễm trùng gây sốt, liên tục vã mồ hôi, đau đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh bất thường, trụy mạch,…
Ngoài ra, sau khi ăn uống ở các địa điểm công cộng, đông người mà trong nhóm người đó, trong thời gian đó có cùng lúc nhiều người bị đau bụng, buồn nôn thì chúng ta cũng nên đặt nghi vấn ngộ độc thực phẩm.
Hầu hết ngộ độc thực phẩm nhẹ sẽ không gây nguy hiểm, chỉ kéo dài vài giờ cho tới vài ngày. Tuy nhiên một số người trường hợp ngộ độc nặng cần phải nhập viện ngay, các trường hợp nặng có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như:
Mất nước và mất cân bằng điện giải: Nôn mửa và tiêu chảy kéo dài có thể gây mất nước và các khoáng chất quan trọng như natri, kali, canxi và magie.
Nhiễm trùng máu: Do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng xâm nhập vào máu qua niêm mạc ruột bị tổn thương.
Viêm não: Do virus hoặc ký sinh trùng xâm nhập vào não qua máu hoặc dịch não tủy.
Viêm gan: Virus hoặc ký sinh trùng xâm nhập vào gan qua máu hoặc dịch mật.
Viêm thận: Do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng xâm nhập vào thận qua máu hoặc niệu quản.
Rối loạn máu: do vi khuẩn Escherichia coli sản sinh ra chất độc shiga làm hủy các tế bào hồng cầu.
Rối loạn thần kinh: Vi khuẩn Clostridium botulinum sản sinh ra chất độc botulinum làm liệt các cơ vận động và hô hấp. Điều này có thể dẫn đến tử vong.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam, Cố vấn chuyên môn Dược Tâm Bình, để tránh những "bệnh từ miệng mà ra", cần nên thiết lập một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh.
Ngoài ra cần có chế độ sinh hoạt điều độ và tuân thủ một số quy tắc an toàn khi chế biến món ăn. Thiết lập chế độ sinh hoạt điều độ sau ngộ độc thực phẩm, áp dụng các quy tắc an toàn tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm. Chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất, phụ gia trong quá trình nuôi trồng, bảo quản.
Thực hiện nấu chín uống sôi, không ăn các thực phẩm chưa chín, còn sống, để lâu ngày. Không để thực phẩm sống lẫn với thực phẩm chín. Khi chế biến nên có thớt, dao chuyên dụng để riêng thực phẩm. Luôn giữ bề mặt bếp sạch sẽ, đồ chế biến món ăn được rửa sạch.
Đảm bảo tay chế biến thực phẩm được sạch sẽ. Bảo vệ thực phẩm tránh các loại côn trùng, loại gặm nhấm và các loài động vật khác và đặc biệt phải sử dụng nước sạch để sinh hoạt.
Khi người bệnh gặp phải bất kỳ triệu chứng nào dưới đây cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời:
Thường xuyên nôn mửa trong hơn 2 ngày Nôn ra máu Không có khả năng uống chất lỏng trong 24h Tiêu chảy kéo dài quá 3 ngày Máu lẫn trong phân Đau bụng hoặc chuột rút bụng dữ dội Sốt cao trên 39 độ C, đầu óc choáng váng Cơ thể mất nước trầm trọng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, suy nhược cơ thể nghiêm trọng. Bất thường trong suy nghĩ hoặc hành vi.Khi gặp các triệu chứng trên, nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh cần nhanh chóng di chuyển đến các cơ sở y tế gần nhất để đảm bảo an toàn sức khỏe, đồng thời tại các cơ sở y tế sẽ báo cáo vấn đề trên đến các cấp liên quan để kịp thời hỗ trợ giải quyết.
Tiến sĩ, Bác sĩ Mai Thị Hội, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/vi-sao-nang-nong-de-gay-ngo-doc-thuc-pham-a104818.html