Người bị tử vong nghi do bệnh dại là bà Thông Thị B. (54 tuổi, ở thôn Phò Trì, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân).
Cách đây khoảng 4 tháng, bệnh nhân bị con chó nhỏ khoảng 4-5 tháng tuổi chạy rông trước cổng nhà cắn vào vùng bàn chân trái, vết cắn trầy xước da, chảy máu nhẹ.
Người nhà sơ cứu, rửa vết thương bằng nước muối, không tiêm phòng dại. Sau đó, bệnh nhân vào tỉnh Bình Dương đi làm lao động. Con chó sau khi cắn bệnh nhân tiếp tục chạy rông và không xác định được đã đi đâu.
Đến sáng ngày 17/4, bệnh nhân bị ngứa 2 bàn chân và lan dần lên cả người, đến khám tại Phòng khám Đa khoa khu vực tỉnh Bình Dương.
Bệnh nhân thêm triệu chứng tê chân, khó thở, sợ gió. Phòng khám nghi bệnh dại và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh; làm xét nghiệm và chẩn đoán bệnh dại. Ngày 20/4, bệnh nhân trở nặng và bệnh viện trả về. Bệnh nhân tử vong cùng ngày.
Chồng của bệnh nhân - ông N.K. cũng bị con chó nhỏ ở nhà cắn vào ngón tay út phải, ngón tay trỏ phải vào ngày 1/4. Sau đó, con chó tự chết không rõ nguyên nhân. Phòng khám Tân Thắng đã vận động ông K. đi tiêm vắc-xin phòng dại theo quy định của y tế.
Theo đó, Trung tâm Y tế Hàm Tân phối hợp Phòng khám Đa khoa khu vực Tân Thắng tuyên truyền vận động người nhà bị chó dại cào, cắn đi tiêm ngừa vắc-xin phòng dại. Tư vấn điều trị dự phòng bệnh dại đối với những người tiếp xúc có vết thương hở hoặc niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân.
Đồng thời, thông báo các gia đình trong khu vực gần nhà bệnh nhân, nhốt tất cả con chó đang nuôi để theo dõi. Ngành y tế tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân phải tiêm vắc-xin phòng dại ngay khi bị động vật (chó, mèo) cào, cắn.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận, đa phần số ca tử vong vì bệnh dại đều không đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Một số trường hợp còn chủ quan cho rằng bị chó nhà nuôi cắn thì không sao; hoặc dùng thuốc gia truyền, thuốc nam điều trị.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn chưa thật sự triệt để. Người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó. Tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến cắn người.
Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên động vật còn thấp. Theo số liệu của Cục Thú y tỉnh Bình Thuận, trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có gần 45.000 con chó, mèo được tiêm vắc-xin phòng dại, đạt tỷ lệ 38%.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/binh-thuan-ghi-nhan-mot-ca-tu-vong-nghi-do-cho-dai-can-a101933.html