Tham dự cuộc gặp mặt có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, 128 già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín tiêu biểu.
Tại buổi gặp mặt, báo cáo về những việc làm thiết thực trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các già làng, trưởng bản, nghệ nhân bày tỏ vui mừng vì Đảng, Nhà nước quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân thẳng thắn phản ánh những khó khăn trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có chính sách, tạo điều kiện tốt hơn, khen thưởng, động viên kịp thời những người, tổ chức tâm huyết, có công trong gìn giữ, trao truyền, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Nguồn lực và sức mạnh mềm để phát triển đất nước
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời chào thân ái, lời chúc sức khỏe, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín tiêu biểu trong cả nước.
Thủ tướng bày tỏ rất vui mừng, xúc động được đón tiếp, gặp gỡ các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số-những người có nhiều thành tích đóng góp trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta, đúng vào Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) và nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, của đất nước, cả nước đang tưng bừng, hào hùng hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024).
Thủ tướng nhấn mạnh, văn hóa các dân tộc không chỉ là tài sản riêng của mỗi con người, vùng đất, quê hương, địa phương mà là tài sản chung của cả quốc gia, dân tộc, của toàn dân. Văn hóa các dân tộc Việt Nam thống nhất trong đa dạng, là nguồn lực và sức mạnh mềm để phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng. Mỗi dân tộc anh em đều gìn giữ kho tàng văn hóa quý báu, có bề dầy lịch sử và đậm đà bản sắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ", "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn, văn hóa mất thì Dân tộc mất".
Thủ tướng khẳng định những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Các sản phẩm văn hoá ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội; nhiều giá trị văn hoá truyền thống, di sản văn hoá tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc anh em được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, phát huy cao nhất có thể; trong đó nhiều di sản có giá trị đặc biệt tiêu biểu đã được quốc tế công nhận và ghi danh
Hàng nghìn lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc được khuyến khích, tạo kiện thuận lợi và tổ chức rộng khắp hằng năm trên cả nước và được đông đảo nhân dân cả nước hưởng ứng, hưởng thụ và cổ vũ để tiếp tục được phát huy.
Đời sống, môi trường văn hóa cơ sở phát triển lành mạnh, văn minh; nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" được biểu dương, lan toả vào đời sống xã hội, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn mới, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Các sản phẩm văn hóa, lễ hội, di sản và môi trường văn hóa phát triển nhanh, bền vững đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng và phát triển 25 năm qua (từ năm 1999), dần trở thành "ngôi nhà chung", nơi bảo tồn, phát huy, lan toả các giá trị văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em, mang đến cơ hội cho du khách trong và ngoài nước trải nghiệm các giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Năm nay, các hoạt động nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức với các hình thức phong phú, đổi mới, hiệu quả như giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc; triển lãm các sản phẩm văn hóa…
128 "ngọn lửa" tiêu biểu của khối đại đoàn kết và cống hiến
Theo Thủ tướng, đạt được những thành tựu đó là nhờ sự lãnh đạo sát sao của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-nhà lãnh đạo luôn quan tâm tới phát triển văn hóa, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có vai trò của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch-cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa; sự đồng lòng, hưởng ứng tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
"Đặc biệt là vai trò "giữ lửa" của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín-những điển hình tiêu biểu, gương mẫu, cốt cán, đã tham gia tích cực, đóng góp quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, vận động đồng bào các dân tộc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, những phong tục, tập quán tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, tích cực đóng góp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc", Thủ tướng phát biểu.
Trong đó, 128 đại biểu dự cuộc mặt là 128 "ngọn lửa" tiêu biểu của khối đại đoàn kết dân tộc-những tấm gương điển hình dù ở độ tuổi, cương vị nào, ngành nghề nào, dù ở đâu cũng đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, trách nhiệm, nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo; tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên, cống hiến vì sự nghiệp phát triển văn hóa, phát triển đất nước.
Thủ tướng nhắc tới những già làng, trưởng bản, người có uy tín như: Ông Hoàng Chí Cốt (dân tộc Mông tỉnh Cao Bằng), ông Nguyễn Văn Viễn (dân tộc Mường tỉnh Ninh Bình), ông Đàng Chí Quyết (dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận) - những người luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động đồng bào, giáo dục con cháu trong dòng họ và cộng đồng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình, làng bản văn hóa.
Những già làng, người có uy tín của các dân tộc thiểu số rất ít người như ông Lò Văn Liên (dân tộc Cống tỉnh Điện Biên), ông Sìn Văn Doi (dân tộc Mảng tỉnh Lai Châu), ông Hồ Văn Sơn (dân tộc Chứt tỉnh Hà Tĩnh)-những người am hiểu về văn hoá dân tộc, luôn phát huy vai trò nòng cốt trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bà con, là cầu nối chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của bà con đến các cấp chính quyền.
Những nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú luôn nặng lòng với văn hoá truyền thống, văn hoá nguồn cội, như ông Lò Văn Lả (dân tộc Thái tỉnh Sơn La), ông Vi Văn Sang (dân tộc Khơ Mú tỉnh Yên Bái), bà Nguyễn Thị Quỳnh (dân tộc Kinh, tỉnh Bắc Ninh) - những người đã dành cả cuộc đời để sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ, biên soạn, thực hành di sản văn hóa dân tộc và luôn trăn trở, suy nghĩ tìm mọi cách trao truyền, hướng dẫn con cháu, các lớp thế hệ trẻ.
"Và còn rất nhiều tấm gương sáng, tiêu biểu khác đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu, sáng tác, luyện tập, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cho sự trường tồn và phát triển của đất nước", Thủ tướng nêu rõ và thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả, đóng góp quan trọng mà những già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trên cả nước nói chung và các đại biểu có mặt tại buổi gặp mặt đã đạt được thời gian qua.
Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn băn khoăn, trăn trở, lo lắng trước không ít khó khăn, thử thách đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc. Trào lưu đô thị hóa nông thôn cùng với quá trình hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa đã làm không ít giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc có biểu hiện mai một.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nhất là của các dân tộc ít người chưa được bảo tồn và phát huy đúng mức. Nhiều di sản bị xâm hại, chưa có được những giải pháp toàn diện phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Việc phát triển công nghiệp văn hóa; gắn kết, khai thác văn hóa gắn với phát triển du lịch, gia tăng giá trị kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân đã có bước phát triển mạnh nhưng còn chưa thực sự hiệu quả, thiếu cách làm mang tính đột phá.
Những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa vẫn còn và diễn biến ngày càng phức tạp, một bộ phận lớp trẻ có biểu hiện xa rời bản sắc văn hóa dân tộc. Quá trình hội nhập quốc tế cũng có mặt tác động không tốt đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò "giữ lửa và truyền lửa"
Thủ tướng nhấn mạnh: Văn hóa là những gì tinh túy, tinh hoa, cốt lõi nhất của dân tộc, của xã hội, của mỗi người. Văn hóa có tính dân tộc, khoa học và đại chúng. Văn hóa phải được thụ hưởng, tạo động lực, truyền cảm hứng bởi mọi người dân.
Đảng, Nhà nước ta xác định: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực của sự phát triển, của sự nghiệp đổi mới. Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển. Xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội.
Thời gian tới, để thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò "giữ lửa và truyền lửa" của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín, Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ trong phát triển văn hóa; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo dục văn hóa truyền thống, tích cực tích hợp chủ đề văn hóa truyền thống vào chương trình giáo dục cơ bản các cấp; đồng thời khuyến khích nghiên cứu và sáng tạo trong lĩnh vực này.
Thứ hai, huy động mọi nguồn lực, nhất là hợp tác công-tư; khuyến khích sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp để phát triển văn hóa; phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo. Thúc đẩy tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội và sự kiện cộng đồng để tăng cường nhận thức và niềm tự hào về di sản.
Thứ ba tiếp tục hoàn thiện đầu tư xây dựng Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam với cơ chế quản lý phù hợp, xứng đáng là "Ngôi nhà chung" của 54 dân tộc anh em.
Thứ tư, nghiên cứu, hoàn thiện và triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi để khuyến khích già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín thực hiện hiệu quả chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
Thứ năm, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong phát triển văn hóa; phát triển hạ tầng văn hóa, khẩn trương khắc phục các vùng lõm về điện và sóng tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trao đổi kinh nghiệm và tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa, văn minh từ các nền văn hóa khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đẩy mạnh việc quốc tế hóa giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới vào Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, ông cảm nhận sâu sắc được sự đam mê, niềm khát vọng cống hiến, ý chí, nỗ lực không mệt mỏi của các đại biểu trong sự nghiệp gìn giữ và phát triển nền văn hóa truyền thống, lâu đời, đậm đà bản sắc của dân tộc ta.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn; khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, không ngừng nêu gương sáng cho con cháu và cộng đồng, thực sự là những nhân tố tích cực trong việc bảo tồn, phát huy, trao truyền các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc.
Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác vận động đồng bào các dân tộc anh em cùng phát huy giá trị văn hóa giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp theo, cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ văn hóa, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, người dân thêm ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với truyền thống nghìn năm văn hiến và anh hùng của dân tộc ta.
Với các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu, Thủ tướng cho biết các cơ quan sẽ lắng nghe, tiếp thu và và sẽ có giải pháp kịp thời, hiệu quả.
Hà Văn
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/thu-tuong-pham-minh-chinh-giu-lua-va-truyen-lua-bao-ton-phat-huy-van-hoa-dan-toc-a101764.html