Singapore mong muốn có thể vượt qua làn sóng Omicron và việc thắt chặt quy định chỉ là "phương án cuối cùng"
Ngày 10/1 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung phát biểu trước Quốc hội rằng các biện pháp quản lý an toàn phòng COVID-19 sẽ chỉ được thắt chặt như một "phương án cuối cùng" khi hệ thống y tế của Singapore chịu áp lực nặng nề.
Phản hồi các câu hỏi về việc liệu các quy định nghiêm ngặt hơn có được áp dụng, ông cho biết: "Hy vọng (của Lực lượng Đặc nhiệm Liên bộ) là chúng ta có thể vượt qua làn sóng Omicron với các biện pháp quản lý an toàn hiện tại. Nếu chúng ta phải thắt chặt các hạn chế, đó sẽ là phương án cuối cùng khi hệ thống y tế của chúng ta chịu áp lực nghiêm trọng."
Trước đó, lực lượng đặc nhiệm đã thông báo các quy định hiện hành, chẳng hạn như giới hạn quy mô nhóm ở mức 5 người, sẽ vẫn áp dụng trong thời gian Tết Nguyên đán 2022.
Trích dẫn kinh nghiệm của Singapore với làn sóng Delta năm ngoái, ông Ong cũng lưu ý ngay cả sau khi dịch lắng xuống, chính quyền Singapore đã cố gắng không “quá vội mừng" và không nới lỏng quá mức các hạn chế. Ông cho rằng “nếu không, đó sẽ là một sai lầm."
Làn sóng Omicron lớn hơn dự kiến
Trích dẫn khả năng lây truyền cao hơn của biến thể Omicron, ông Ong chia sẻ Singapore có thể sẽ đón một làn sóng lây nhiễm "lớn hơn nhiều lần" so với làn sóng do biến thể Delta gây ra. "Nếu việc lây nhiễm Delta đạt tỷ lệ duy trì liên tục vào khoảng 3.000 ca mỗi ngày, Omicron có thể đạt 10.000 đến 15.000 ca mỗi ngày, hoặc nhiều hơn.”
"Số ca nhiễm có khả năng tăng gấp đôi cứ sau 2 đến 3 ngày. Vì vậy, một khi số ca nhiễm bắt đầu tăng mạnh, trong vòng một vài tuần, chúng ta có thể ghi nhận 3.000 ca Omicron mỗi ngày.”Nhưng ông Ong còn lưu ý các nghiên cứu toàn cầu đã chỉ ra rằng biến thể Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn Delta - với số ca nhập viện hoặc cần chăm sóc khẩn cấp ít hơn.
Ông nhận định: "Điều này cũng đã được xác nhận bởi kinh nghiệm riêng của chúng ta. Cho đến nay, Singapore đã ghi nhận 4.322 ca nhiễm Omicron, trong đó có 308 người cao niên từ 60 tuổi trở lên". "Tám người cần bổ sung ô-xy và tất cả họ đều có thể tự hô hấp chỉ sau vài ngày. Chưa có trường hợp nào cần sự chăm sóc của ICU."
Ông cho biết thêm rằng nếu những ca nhiễm này được gây ra bởi Delta, các nhà chức trách dự đoán có 50 đến 60 bệnh nhân cần bổ sung oxy, chăm sóc ICU hoặc tử vong. Nhưng ông Ong cảnh báo Singapore phải cẩn thận trong việc giải thích những quan sát này, vì "đó là những ngày đầu và hoàn cảnh của mỗi quốc gia là khác nhau".
Cân bằng giữa ba yếu tố
Theo ông Ong, trong cuộc chiến chống lại đại dịch, tiêm chủng, mở rộng năng lực của hệ thống y tế và các biện pháp quản lý an toàn phải "hoạt động song hành", kèm theo sự cân bằng giữa ba yếu tố này.Ông cho biết thêm: "Chúng ta không thể tự do hóa quá mức, loại bỏ toàn bộ các quy định hạn chế xã hội, để các ca nhiễm tăng lên một cách thiếu kiểm soát dẫn tới hệ thống y tế phải gánh chịu hậu quả."
"Nhưng đồng thời, chúng ta cũng sẽ không bảo vệ hệ thống y tế bằng mọi giá, đi theo chiến lược không COVID cực đoan, cũng như áp dụng các biện pháp phong tỏa biên giới và xã hội khiến người dân chịu thiệt hại nặng nề."Nhưng ông lưu ý việc đánh giá sự tác động tương hỗ của các yếu tố trên sẽ là "vấn đề được xem xét tùy thuộc vào tình hình đại dịch".
Ông cho rằng sẽ là quá cứng nhắc khi thiết lập các số liệu để kích hoạt các hạn chế xã hội, vì chính quyền phải phản ứng linh hoạt với những thay đổi bất ngờ của tình hình. Trong khi đó, ông lưu ý có sự gia tăng tỷ lệ tiêm chủng và tiêm nhắc lại, với hơn 90% mọi nhóm tuổi đủ điều kiện đã được tiêm chủng. Khoảng 46% dân số Singapore đã được tiêm mũi nhắc lại.
Năng lực y tế cũng tiếp tục được nâng cao, với 350 giường ICU, 2.000 giường cách ly và 4.000 giường cơ sở điều trị cộng đồng cho các ca COVID-19 đã sẵn sàng "với thông báo trước một vài tuần".
Trong khi nhân lực "luôn là một yếu tố hạn chế", nguồn lực về nhân viên cho các đơn vị chăm sóc đặc biệt đã tăng 12% trong năm qua lên 1.800 thành viên. Ngoài ra, khoảng 500 nhân viên khác đã hoặc đang được đào tạo để hỗ trợ các hoạt động này.
Mặc dù Omicron là một "kẻ thù khác", ông Ong lưu ý rằng Singapore đã chuẩn bị tốt hơn và kiên cường hơn nhiều so với trước đây.
Ông nhấn mạnh: "Và sau khi làn sóng Omicron qua đi, như dự kiến, chúng tôi sẽ thực hiện một bước tiến lớn khác hướng tới việc sống chung với COVID-19."
Ngọc Diễn
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/singapore-mong-muon-co-the-vuot-qua-lan-song-omicron-a10173.html