Đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, với nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú, nhiều tiềm năng nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa-lịch sử,... cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với nhiều ngành chủ lực, đặc biệt là phát triển du lịch.
Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 40.500 km2, tổng dân số gần 18 triệu người, có 386 km đường biên giới với Campuchia cùng các cửa khẩu quốc tế và quốc gia, đã hình thành mối liên kết thuận lợi giữa khu vực với thị trường Campuchia, Thái Lan...
Khu vực này có 4 sân bay quốc tế và 2 sân bay nội địa. Đây cũng là nơi có gần 200 đảo và quần đảo, gần tuyến hàng hải và hàng không quốc tế giữa Nam Á, Đông Nam Á, Châu Đại Dương và các quần thể khác trong Thái Bình Dương.
Năm 2023, đồng bằng sông Cửu Long đã đón 44,9 triệu lượt khách (tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó khách quốc tế đạt 1,8 triệu lượt (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), doanh thu đạt hơn 45.000 tỷ đồng (tăng 42,59% so với cùng kỳ năm 2022).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, với vai trò là Cụm trưởng Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía tây đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố xây dựng nội dung hợp tác theo hướng thiết thực, sát với điều kiện của từng địa phương; tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch của cụm ngày càng hiệu quả.
Nhằm tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá thu hút du lịch nội địa, quốc tế vào các dịp lễ 30/4, 01/5 đến các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng, thông qua Hội nghị Xúc tiến quảng bá du lịch đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang tại Hà Nội, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch của các địa phương, nhất là các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch chất lượng nhằm thu hút khách tham quan du lịch cùng trải nghiệm để các doanh nghiệp gặp gỡ giao lưu, hợp tác kết nối tour tuyến du lịch với các đối tác doanh nghiệp khu vực phía bắc trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung mong muốn tiếp tục tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp; xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch đồng bằng sông Cửu Long hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn.
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu đề nghị các địa phương tiếp tục xây dựng chiến dịch quảng bá điểm đến đậm nét, rộng rãi, cụ thể trên các nền tảng số trong thời gian tới. Đồng thời cho rằng, các chương trình hợp tác, giới thiệu, xúc tiến quảng bá như tại Hội nghị này đã và đang làm tốt vai trò của kích cầu, phát triển du lịch tại các địa phương, qua đó tránh sự trùng lặp về sản phẩm, hỗ trợ đầu tư xây dựng sản phẩm mới, khắc phục các điểm yếu về nhân lực, quản lý.
Là đơn vị chủ nhà VITM Hà Nội 2024, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Hà Nội đã tích cực, chủ động hợp tác với các địa phương đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện, tổ chức kết nối và chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn triển khai các chương trình, sản phẩm du lịch mới, phù hợp với từng địa phương; chủ động trao đổi thông tin cần thiết và kịp thời trong công tác quản lý nhà nước và hợp tác liên kết với Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long.
Hội nghị cũng là dịp để các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu nhiều sản phẩm, điểm đến hấp dẫn cũng như những tiềm năng về du lịch ẩm thực, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa... của khu vực mình.
Diệp Anh
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/day-manh-xuc-tien-quang-ba-du-lich-dong-bang-song-cuu-long-va-kien-giang-a100826.html