Ngày 8/4, thông tin từ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vừa tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động bệnh không lây nhiễm năm 2023 và Triển khai kế hoạch năm 2024 tổ chức tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC).
Hội nghị với sự tham gia của đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, lãnh đạo UBND, phòng y tế, trung tâm y tế các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Theo đó, chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm trong năm 2023 tập trung triển khai các hoạt động truyền thông, sàng lọc, quản lý bệnh không lây nhiễm và kiểm soát các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, uống rượu bia trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, trong năm 2023 với sự hỗ trợ chuyên môn từ WHO, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm tại 43 Trạm y tế (TYT) thuộc 10 quận, huyện trên địa bàn gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế (gọi tắt là chương trình WHO-PEN).
Năm 2024, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh mở rộng triển khai gói WHO-PEN đến tất cả các TYT có khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (hiện tại có 174 TYT).
TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam bày tỏ vui mừng, khi nhận định chương trình thử nghiệm đã thành công, thể hiện qua 3 nội dung: một lần nữa cho thấy cách tiếp cận chăm sóc sức khỏe người dân qua hệ thống y tế cơ sở là cách tiếp cận đúng đắn, người bệnh có thể thụ hưởng kết quả chăm sóc sức khỏe tại cơ sở gần nhà và khi hoàn thiện, mô hình này có thể nhân rộng cho các địa phương khác.
Với tình trạng già hóa dân số tại Việt Nam, nhu cầu điều trị các bệnh không lây, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống y tế.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu là giải pháp căn cơ và duy nhất để giải quyết các thách thức này. WHO cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, đầu tư vào chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Theo TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để triển khai khám, chữa bệnh ban đầu tại TYT.
Hiện nay khi triển khai khám, điều trị ban đầu tại tuyến y tế cơ sở còn gặp nhiều thách thức và rào cản, như bài toán nguồn nhân lực, các quy định về danh mục kỹ thuật, danh mục thuốc cho TYT, quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh tại TYT, khám điều trị bệnh tại nhà, các quy định phân tuyến khám, chữa bệnh BHYT, và nhiều vấn đề kinh tế xã hội khác...
Để vượt qua những thách thức này, bước đột phá cần tập trung vào bài toán đảm bảo nguồn nhân lực và năng lực cho y tế cơ sở.
Một giải pháp hứa hẹn là triển khai hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế các bệnh không lây phổ biến (như tăng huyết áp, đái tháo đường), tư vấn dinh dưỡng và vận động thể lực (trong hỗ trợ điều trị bệnh mạn tính), phục hồi chức năng kết hợp y học cổ truyền tại TYT.
Mô hình hoạt động này được kỳ vọng sẽ giúp TYT thu hút được người bệnh, tạo “luồng sinh khí” mới cho tuyến cơ sở sau khi giải quyết bài toán giữa “con gà & quả trứng” (không có BS nên không có bệnh nhân đến, không có bệnh nhân thì không thu hút BS đến công tác; không có khám BHYT thì không có bệnh nhân, không có bệnh nhân đến thì TYT không thể đăng ký KCB BHYT).
Theo kế hoạch hoạt động năm 2024 của ngành y tế thành phố, bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh, hoạt động chính của hệ thống y tế cơ sở tập trung vào khám sức khỏe cho người cao tuổi để tầm soát phát hiện các bệnh không lây phổ biến, lập hồ sơ sức khỏe quản lý theo dõi và triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các bệnh lý này.
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/tphcm-trien-khai-tam-soat-cac-benh-khong-lay-pho-bien-cho-nguoi-gia-a100154.html