Đã 45 năm trôi qua, nhưng những hồi ức về cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn chưa phai nhạt trong lòng người dân Việt Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành được thắng lợi vang dội đầu tiên với trận mở đầu Buôn Ma Thuột và Chiến dịch Tây Nguyên, tiếp đó là Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Chiến dịch Xuân Lộc và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Đúng 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng phấp phới tung bay trên cột cờ cao nhất Dinh Độc Lập, đánh dấu thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Thời gian ngày càng lùi xa thì diễn biến những sự kiện lịch sử Ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975) càng được sàng lọc, kiểm nghiệm và thông điệp gửi lại cho chúng ta hôm nay càng sâu sắc hơn. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản lần thứ 5, có bổ sung cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh.
Cuốn sách này được xuất bản lần đầu tháng 4/2014, tái bản lần thứ nhất tháng 4/2015, tái bản lần thứ 2 và 3 vào năm 2016, tái bản lần thứ 4 năm 2017. Tác phẩm giành được những giải thưởng danh giá trong nước và khu vực: Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015. Năm 2017 tác phẩm được dịch sang tiếng Anh giới thiệu với bạn đọc quốc tế; năm 2018 được dịch sang tiếng Lào và là một trong những đầu sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam trao tặng nước bạn Lào năm 2018.
Trong lần tái bản này, tác phẩm được bổ sung 10 tài liệu nguyên bản, đưa số tài liệu tham khảo in ở phần tư liệu ở cuối sách lên 31 tài liệu.
10 tài liệu tham khảo bổ sung gồm: Kế hoạch 3 giai đoạn phòng thủ Quân khu 3, 4 và nội các chiến tranh; Tập công điện chỉ huy tác chiến của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn; Lệnh giải nhiệm chức Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn của Cao Văn Viên; Lệnh bổ nhiệm Vĩnh Lộc làm Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn; Danh sách tướng lĩnh trình diện, dự buổi giao ban cuối cùng của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn; Thư của Đại tá Phạm Bá Hoa, Tham mưu trưởng Tổng cục Tiếp vận Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn; Lệnh buông súng sáng 30/4/1975 của Dương Văn Minh; Lệnh của Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh trên đài Sài Gòn ngày 30/4/1975; Tuyên bố của Kissinger khi Hoa Kỳ chấm dứt sự có mặt ở miền Nam Việt Nam; Nguyễn Văn Thiệu nói trực tiếp trên Đài Truyền hình Sài Gòn ngày 4/4/1975.
Đây là những tài liệu mà tác giả được tiếp cận sau ngày 30/4/1975, liên quan trực tiếp đến cuộc chiến, trong thời gian diễn ra sự sụp đổ, hầu hết được xem là tuyệt mật của "phía bên kia", gần như lần đầu được công bố toàn văn. Những tài liệu này, Nhà xuất bản chưa có điều kiện để kiểm chứng từ những văn bản gốc, nhưng tôn trọng ý kiến của tác giả và coi đây là những tài liệu tham khảo phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Kể từ lần xuất bản đầu tiên đến nay đã 6 năm. Trong thời gian đó xuất hiện thêm một số tài liệu tuyệt mật được phía Hoa Kỳ giải mật; một số sự kiện, sự việc, tình tiết quan trọng trong giờ phút sụp đổ cuối cùng được các tướng lĩnh và nhân vật chủ chốt trong chính quyền Sài Gòn đang sống định cư ở nước ngoài tiếp tục hé lộ. Nhà xuất bản thống nhất với tác giả trong việc chọn lọc những chi tiết đắt giá, tin cậy, bổ sung cho nội dung một số sự kiện, sự việc trình bày trong cuốn sách đã xuất bản trước đây được thêm phần đầy đủ, hấp dẫn, phục vụ tốt nhu cầu bạn đọc.
Mặt khác, trong cuốn "Viết và Đối thoại" của tác giả Trần Mai Hạnh được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2019 đã có phần "Tác phẩm và dư luận" giới thiệu khá đầy đủ nhận xét, đánh giá của Hội đồng Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015, cũng như của các nhà lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật, các nhà văn, nhà báo đối với cuốn Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, nên phần "Tác phẩm và dư luận" trong các lần xuất bản trước đây không đưa vào nội dung cuốn sách tái bản có bổ sung lần này.
Từng là phóng viên chiến tranh của Thông tấn xã Việt Nam ở chiến trường miền Nam, đầu năm 1975, tác giả Trần Mai Hạnh được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là phóng viên đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam đi trong đoàn do đích thân Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khi đó dẫn đầu.
Bám sát các binh đoàn chủ lực, tác giả đã theo các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn và may mắn có mặt, chứng kiến những giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập. Những tài liệu nguyên bản thu được, những trang ghi chép tại chỗ trong quá trình tham gia chiến dịch và trong những ngày tháng đầu tiên của Sài Gòn giải phóng cùng với những tư liệu quý giá từ phía chính quyền Sài Gòn mà tác giả có cơ may và cơ duyên tiếp xúc, khai thác đã giúp tác giả viết nên cuốn sách.
Cuốn tiểu thuyết gồm 19 chương, cùng với phần phụ lục gồm 31 tài liệu tham khảo nguyên bản được in toàn văn đã phác họa sinh động sự sụp đổ cùng chân dung của hầu hết tướng lĩnh quân đội và số phận những người cầm đầu chính quyền tay sai Sài Gòn trong 4 tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam (từ tháng 1 đến tháng 4/1975), làm nổi bật chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng ta.
Diệp Anh
Link nội dung: https://saigonmoi24.com/khac-hoa-chien-thang-vi-dai-cua-cuoc-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-cua-dan-toc-a100050.html